Thị trường BĐS: cần đưa về giá trị thực

Với những đề xuất sửa đổi chính sách cùng những giải pháp hỗ trợ khác sắp triển khai tới đây, tôi tin đà phục hồi của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục được duy trì.
Theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thời gian gần đây, thị trường bất động sản đang nghi nhận sự tăng giá đồng loạt tại nhiều dự án. Chúng ta đều biết rằng cần phát triển thị trường một cách bền vững, tránh tình trạng tăng giá bán một cách đột biến qua hệ thống bán hàng bởi điều đó sẽ phá vỡ sự phát triển lành mạnh của thị trường.

"Mục tiêu chúng ta là đưa giá BĐS về sát với giá trị thực, gần với nhu cầu của người dân, chứ không phải đưa giá BĐS ngày càng cao lên, sẽ rất nguy hiểm.Thị trường bền vững và cân đối đấy mới là điều chúng ta kỳ vọng. Chúng ta không mong muốn sự phát triển quá nóng hay sự bùng nổ ở giai đoạn nhất thời nào đó”, ông Quang nhấn mạnh.

Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Quang.

PV: Nhận định về thị trường BĐS, có ý kiến cho rằng các chính sách liên quan, nhất là hai bộ luật rất quan trọng về BĐS sắp có hiệu lực, trong thời gian qua đã có tác động tích cực tới các hoạt động của thị trường. Những tác động này đã được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Quang: Thời điểm cuối tháng 11/2014, Quốc hội thông qua các luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi đã tạo một cú hích lớn cho thị trường BĐS. Mặc dù những luật này đến tháng 7/2015 mới có hiệu lực, nhưng tác động của nó tại thời điểm này là rất lớn.

Đánh giá một cách tổng quát nhất, có thể nói rằng dù còn có vướng mắc ở điểm này hay điểm khác khi triển khai nhưng đa số các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện đều đã hướng trúng tới những vấn đề mà thị trường bất động sản Việt Nam gặp phải.

Với những đề xuất sửa đổi chính sách và cải cách thể chế đang được bàn thảo cùng những giải pháp hỗ trợ khác sắp triển khai tới đây, tôi tin đà phục hồi của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục được duy trì.

Tuy nhiên, có một điều là thị trường luôn phát triển và thay đổi, Nhà nước cần có sự thích ứng, điều chỉnh phù hợp và linh hoạt, cần có cơ chế tiếp thu ý kiến phản hồi của thị trường một cách chủ động và tích cực, đặc biệt là ý kiến của các Hội nghề nghiệp để khắc phục ngay các tồn tại phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

PV: Song song với những chính sách về tín dụng, những cải cách về hệ thống luật định (sửa đổi) như Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đầu tư cũng được xem là bàn đạp để thúc đẩy các giao dịch trong thị trường nhà ở, trong đó, phải kể đến các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) DN, dự án giữa những nhà phát triển BĐS trong và ngoài nước. Vậy ông nhận định như thế nào về xu hướng M&A trên thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Trần Ngọc Quang: Trong khoảng thời gian vừa qua, thị trường BĐS Việt Nam đã chứng kiến sự gia nhập của nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn. Trong năm 2014, đã có hàng loạt thương vụ M&A của các doanh nghiệp tại Tp.HCM. Ví dụ điển hình, có thể kể tới việc Tập đoàn Novaland thu mua 8 dự án gồm The Sun Avenue (nằm trên địa bàn quận 2), Lucky Palace (tại quận 6), Orchard Garden, Garden Gate (tại quận Phú Nhuận)… với tổng giá trị chuyển nhượng ước tính lên tới 10.000 tỷ đồng.

Hoạt động M&A trong năm 2015 được mở màn với vụ Lotte thâu tóm Diamond Plaza. Sự kiện này đã đưa đến dự báo: năm 2015 sẽ là năm bùng nổ hoạt động mua bán, sáp nhập dự án trên thị trường BĐS.

Tôi nhận thấy rằng, chúng ta đang đứng trước cơ hội thương mại lớn từ những hiệp định kinh tế và thương mại lớn như TPP, FTA, doanh nghiệp càng thêm động lực để đẩy nhanh các cuộc M&A để tăng sức mạnh cạnh tranh của mình. Hiện có rất nhiều các nhà đầu tư Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… với ngân sách dành cho M&A khá lớn, luôn quan sát thị trường Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á để tìm cơ hội chín muồi là nhảy vào đầu tư.

Nhìn chung hoạt động M&A phía Nam đầy tiềm năng và đặc biệt hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước hơn. Có rất nhiều dự án nhà đất tiềm năng nhưng đang trong tình trạng dang dở, bị bỏ hoang do chủ đầu tư không còn năng lực triển khai. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh dạn nắm bắt thị trường. Việc các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chuẩn mực các quy định hiện hành trong quản lý đầu tư bất động sản cũng có tác dụng thúc đẩy hoạt động M&A phát triển và cũng là để thúc đẩy các dự án được thực hiện theo đúng mục tiêu đã đề ra.

PV: Phải nói là thị trường BĐS Việt Nam năm 2015 được “tô hồng” bời nhiều dự báo mang tính khả quan, nhưng theo ông thì thị trường hiện nay vẫn còn những khiếm khuyết nào? Ông có thể chỉ ra được các tồn tại của doanh nghiệp BĐS Việt Nam hiện nay và ông khuyến cáo gì với các chủ đầu tư dự án bất động sản trong thời gian tới?

Ông Trần Ngọc Quang: Hiện tượng một số chủ đầu tư, nhà môi giới tìm cách tăng giá đột biến, tạo nên “sốt ảo” ở một số dự án, chạy theo lợi nhuận nhất thời sẽ đánh mất lòng tin của khách hàng thể hiện sự chưa chuyên nghiệp của thị trường hiện nay và làm giảm tiến trình phục hồi thị trường bất động sản.

Thị trường phải từng bước chuyên nghiệp hơn, muốn thế, bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng nên xác định rõ lĩnh vực chuyên sâu của mình, không thể “làm tất, ăn cả”. Một doanh nghiệp không thể làm mọi công đoạn đầu tư, kinh doanh bất động sản từ việc phát triển dự án, đầu tư đến phân phối, tư vấn, quản lý vận hành... Làm như vậy sẽ thiếu tính chuyên nghiệp và giảm tính minh bạch.

Một vấn đề nữa là, ai cũng đều biết thu nhập của người dân còn thấp hơn nhiều so với giá bán bất động sản. Trong khi tốc độ tăng trưởng thu nhập của đại đa số người dân còn chậm, thì việc áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để từng bước nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm góp phần vào quá trình giảm dần khoảng cách giữa giá bất động sản với khả năng thực tế của người mua là rất cần thiết. Điển hình như dự án Park View Residence, chỉ trong một buổi mở bán mà có gần 100 căn được giao dịch thành công, đó mới là giá trị thực

PV: Xin cám ơn ông!
Tags: Tin-tuc
Nhận xét đã bị vô hiệu hóa.

Tin liên quan

    -->